LUẬT CHU KỲ
Luật Chu Kỳ
GIỚI THIỆU
Luật chu kỳ là luật quản trị việc xuất hiện hay rút về các năng lực vĩ đại, linh hoạt, làm tròn mục tiêu của đấng cao cả, mà đồng thời cũng bị giới hạn ngăn trở do đặc tính của hình thể mà lực tiếp xúc.
Chu kỳ có nghĩa mọi vật trong thái dương hệ đều ở trong tình trạng chuyển động, và sinh lực tuần hoàn trong trọn hệ thống. Chu kỳ vừa có đặc tính trái lại, vừa có động lực tiến lên, cho ra sinh hoạt theo đường xoắn ốc. Ta có việc xuất hiện định kỳ của hình thể, và sự tiến bước chậm mà vững về một đích.
Chu kỳ là đặc tính của sự sống, như thủy triều lên xuống, có ngày có đêm, nó cũng là tiết điệu của sự sống, hay cuộc đời của ta đi theo nhịp. Việc quá quen với hiện tượng sáng và tối của mặt trời làm ta quên mất ý nghĩa biểu tượng của nó, quên rằng theo luật của trời đất, các giai đoạn tối và sáng, thiện và ác, chìm và nổi là đặc tính của sự tăng trưởng của mọi hình thể, phân biệt sự phát triển của các giống dân và quốc gia, gây ra vấn đề cho người tìm đạo khi nghĩ rằng mình đã bước vào ánh sáng và đã bỏ lại những chỗ tăm tối sau lưng.
Luật chu kỳ là luật căn bản, nó quản trị mọi sự biểu lộ, dù đó là biểu lộ của vị Thái Dương Thượng Đế qua trung gian một thái dương hệ, hay sự biểu lộ của con người qua phương tiện là hình thể. Luật cũng kiểm soát tương tự trong mọi loài của thiên nhiên. Chu kỳ tổng quát có thể kể là:
– Sinh - Sống - Tử
– Hiện diện - Tăng Trưởng - Biến mất
– Đường đi xuống - Đường đi lên - Chờ đợi
– Trì trệ - Hoạt động - Nhịp nhàng
Luật liên hệ đến âm thanh, màu sắc, con số và chỉ bậc đạo gia toàn thiện mới thấu hiểu hoàn toàn bí ẩn của các chu kỳ.
Mỗi chu kỳ sinh ra từ một chu kỳ khác tương đối đã trọn vẹn, và hằng dẫn tới một vòng xoắn cao hơn và như vậy tiếp tục không ngừng đi tới cái cao cả hơn. Có những chu kỳ lớn và nhỏ, áp dụng cho vị Thái Dương Thượng Đế và con người, liên hệ đến chân nhân và phàm nhân.
Sự sống thiêng liêng bao gồm những giai đoạn lên và xuống biểu lộ trong các loài khác nhau, qua sự tăng trưởng của nhân loại, và qua kinh nghiệm của các giống dân, quốc gia và giòng họ. Tuy vậy trong bài này ta chỉ giới hạn vào hai đối tượng là con người và thế giới.
CÁ NHÂN
Chu kỳ xảy ra theo hai cách, chung quanh một trục và chung quanh mình. Trái đất khi quay quanh mình cho ra ngày và đêm, còn khi quay theo một quỹ đạo ta có năm tháng. Khi con người quay quanh trục là chính mình anh tiếp xúc với bầu hoạt động của những người khác, cho ra kết quả là hợp tác hay đan kết, hoặc đẩy lui, tách biệt. Trong sự đan kết, tính cá biệt vẫn được duy trì.
Nói riêng về chu kỳ của phàm nhân, chu kỳ đi theo thứ tự sau:
– Phân hóa: diễn trình nhập thế, một trở thành đa dạng, cái đồng nhất trở thành dị dạng.
– Thăng bằng: tiến trình quân bình, điều chỉnh nhân quả.
– Tổng hợp, hay tinh thần hóa, nhiều phần trở về thành một phần.
– Giải thoát, hay rút lui, chặng cuối của diễn trình tiến hóa, hay sự phóng thích tinh thần khỏi giới hạn vật chất.
Bằng cách đó ta hiểu rằng không phải mọi kiếp sống quan trọng ngang nhau, mà một số nổi bật hơn một số khác.Theo cái nhìn của chân nhân, một số kiếp có thể coi như không đáng kể, một số khác nhiều ý nghĩa hơn. Điều tương tự có thể áp dụng cho đẳng cấp cao hơn, chẳng hạn sự phát triển của một mẫu chủng quan trọng hơn là một nhánh dân đối với vị Hành Tinh Thượng Đế.
Linh hồn có chu kỳ của nó, và phần cá tính cũng có chu kỳ riêng, cái sau nằm trong cái trước, mỗi cảnh đời trong chu kỳ nhỏ.
1- Cái chu kỳ quan hệ nhất cho linh hồn là việc nó tái sinh và trở về tâm xuất phát, tùy theo quan điểm mà có sự thay đổi trong hiểu biết về chuyện đi và về này.
– Về mặt bí truyền có linh hồn có thể coi là đang đi tìm kinh nghiệm, nên hướng về sự biểu lộ cõi vật chất.
– Lại có linh hồn đi tìm ánh sáng hiểu biết, rút lui khỏi sinh hoạt loài người, tìm đường về tâm thức thiêng liêng, sống trong sự sáng. Khoa tâm lý cảm được các chu kỳ này tuy không hiểu ý nghĩa của chữ dùng, đã gọi một loại là hướng ngoại và loại kia là hướng nội. Những chu kỳ này đánh dấu sự vào, ra trong kinh nghiệm cá nhân, và thành sự sống nhỏ bé tương ứng với những chu kỳ lớn của linh hồn. Việc nhập cuộc đời sống hình thể rồi rút lui là chu kỳ của mỗi linh hồn cá biệt, và cái tương ứng rộng lớn là chu kỳ ngơi nghỉ pralaya.
2- Cuộc đời người thức tỉnh bắt đầu lập lại các chu kỳ trước.
a- Thể chất của anh bị kích thích bất ngờ, và bị các thị dục đã xưa, ham muốn ngày trước hấp dẫn. Kế đó có thể là chu kỳ trong đó thể xác cảm biết sinh lực rời nó mà đi, và bị mất dần sinh lực, vì không còn là đối tượng cho tâm thức nữa. Vì lý do đó mà nhiều người phụng sự bị mất năng lực và đau ốm.
b- Tiến trình giống vậy có thể ảnh hưởng thể tình cảm với các giai đoạn hân hoan ngập lòng, ước vọng cao cả nhất xen với giai đoạn nản chí cùng cực không còn thiết tha điều chi.
c- Làn sóng bây giờ có thể lan sang thể trí, cho ra một giai đoạn có hoạt động trí tuệ mãnh liệt, học hỏi liên tục, suy nghĩ nhiều, tra cứu sách vở; sự khích động trí tuệ đều đặn là đặc tính của thời gian này. Nối tiếp nó có thể là chu kỳ trong đó mọi sự học hỏi đều chán chường, cái trí dường như hoàn toàn im lắng, bất động. Muốn suy nghĩ phải cố gắng nhiều, con người ước ao để buông trôi mọi chuyện hơn là hành động.
Tất cả những ai thật lòng tìm đường đều ý thức tình trạng bất an này và thường coi nó như là tội lỗi hay là tình trạng phải chống đối mạnh mẽ, nhưng cái nhận thức đúng đắn là:
– Trạng thái cảm xúc trên hoàn toàn không có nghĩa lý và không phải là dấu hiệu chỉ tình trạng của linh hồn. Người đi theo ánh sáng trong tâm cần trụ vào tâm thức thiêng liêng, từ chối không để bị ảnh hưởng bởi những tình trạng đối nghịch dường như đổ ập vào mình. Họ thường trụ trong bản thể tinh thần, và khi làm hết sức mình, đứng vững nơi ấy chờ đợi.
– Tình trạng quân bình chỉ đạt tới khi giao động trở thành luật, khi đó chu kỳ dâng và rút của sự sống sẽ tiếp tục bao lâu tâm trí còn dao động giữa khía cạnh này hay khác của hình thể và con người tinh thần thực sự.
Cái lý tưởng là đạt tới tình trạng tâm thức có kiểm soát mà con người có thể trụ vào khi muốn, hoặc vào tâm thức thiêng liêng hay vào hình thể, mỗi lần trụ tâm thức là do có ý muốn thực hiện một mục tiêu đặc biệt. Ở trình độ đó, khi phát khởi hành động con người quyết định tâm thức sẽ trụ vào đâu, nhưng đó là tâm thức không đổi, hoặc tạm thời thoát khỏi hình thể, hoặc chìm sâu vào hình thể hầu hoạt động ở những khía cạnh khác nhau của đại thể thiêng liêng. Con người tinh thần tìm cách đẩy mạnh cơ trời, và hòa vào cái thiên trí trong vũ trụ. Rút lui vào trong tâm, anh tìm cách thực hiện thiên tính và khi làm được vậy, hướng và trí tuệ nào làm cho anh tiếp xúc được với Thiên Trí. Anh chỉ bị giới hạn để vì thế học hỏi được và phụng sự. Anh tìm cách đi vào tim người và mang hứng khởi từ trên cao cho họ. Ý thức thiên tính của mình và tạm thời đồng hóa với các thể, để mang tình thương của Thượng đế đến với tất cả mọi sắc tướng trên địa cầu.
3- Tính cách chu kỳ còn thấy cả trong việc học tập, huấn luyện, nó cũng theo nhịp đập và rút như mọi điều khác trong thiên nhiên. Giai đoạn hoạt động sẽ được giai đoạn pralaya nối tiếp, và tiếp theo giai đoạn tiếp xúc được với phần thiêng liêng là giai đoạn dường như lặng lẽ. Sự thay đổi này đi theo luật, và nếu ta phát triển giống như mong muốn, mỗi giai đoạn pralaya sẽ nối tiếp bằng sự hoạt động rộng lớn hơn, cho cơ hội đạt nhiều thành quả hơn. Luật chu kỳ quản trị mọi sinh hoạt và cảnh giới, nên khi học đáp lại làn rung động của cõi cao ta nên giữ ý này.
4- Hiểu như vậy thì ta biết phần cá tính của mỗi người cũng có lúc suy, lúc thịnh. Và khi cá tính một ai bước vào giai đoạn suy, điều ấy gây ngỡ ngàng cho người bị lôi cuốn đi theo cá tính mạnh mẽ của họ, thay vì chính thúc dục của tim mình. Đây là tình trạng rã ngũ, tan vỡ của một tổ chức, khi thành viên tụ quanh một lãnh tụ do sức thu hút của lãnh tụ ấy hơn là phần chân lý, tôn chỉ của tổ chức.
5- Sang đến nhóm, nó cũng bị luật trên chi phối. Có những lúc con người thấy viễn ảnh mờ mịt, con đường hóa tăm tối không ánh sáng, thì nhóm cũng trải qua giai đoạn tương tự. Chu kỳ lớn ảnh hưởng vũ trụ, chu kỳ nhỏ ảnh hưởng các giống dân, và lại có những chu kỳ nhỏ hơn ảnh hưởng các nhóm tinh linh nhỏ bé trong các thể con người.
Người cung 6 cần biết rõ về luật chu kỳ hơn người khác, vì họ dễ trở thành cuồng tín, có hành vi hung bạo, hai đặc tính này dễ dàng được sử đổi khi ý thức nhịp thăng trầm của đời sống và dùng nó khôn ngoan, hiểu biết có sự thay đổi giữa đỉnh cao và vực sâu, có lúc con người tràn ngập ánh sáng và có lúc dường như bóng tối bao trùm tâm hồn.
MỤC ĐÍCH
Hiểu được vị trí của mình trong cơ đồ chung, ta thấy mục đích của con người là tiến hóa, và luật chu kỳ hỗ trợ việc ấy. Mục đích của luật là sau mỗi vòng xoắn, con người phát triển tiềm năng của mình nhiều hơn, đi gần thêm một bước về đích nhắm. Khi mỗi đời sống chấm dứt, sự sống xuyên qua các thể thu thập được các điều sau do việc xử dụng chúng.
– Gia tăng sinh hoạt cái được chất chứa trong hạt nguyên tử trường tồn xác thân.
– Thêm màu sắc cái được chất chứa trong hạt nguyên tử trường tồn tình cảm.
– Hành động có sức mạnh, hay có mục tiêu, cái được chất chứa trong hạt nguyên tử trường tồn thể trí.
Tất cả những điều này hợp lại thành khả năng trong thời gian ngơi nghỉ ở cõi Devachan.
Chu kỳ của con người lẽ tự nhiên sẽ nối kết chặt chẽ với chu kỳ của giống dân. Một người sẽ tái sinh nhiều lần vào các nhánh phụ của một giống dân cho tới khi hoàn tất một chu kỳ nào đó. Khi ấy anh sẽ nghỉ ngơi một thời gian dài (pralaya), cho tới khi một mẫu chủng khác có làn rung động hợp với anh khiến anh đáp ứng, và bị thúc giục tái sinh trở lại. Thí dụ cho điều này là thành phần tiến hóa của nhân loại đã không tái sinh mãi cho đến mẫu chủng thứ tư; những linh hồn ấy phải chờ cơ hội thuận tiện mới trở lại địa cầu, cơ hội mà trước đó chưa có.
Diễn trình tiến hóa của con người giống nhau nhưng chu kỳ không giống nhau, cũng y vậy, ở mức độ cao hơn diễn trình tiến hóa của các bầu hành tinh, thái dương hệ giống nhau nhưng thời gian khác nhau. Luật chu kỳ là một, nhưng thời gian tùy thuộc vào động lực ban đầu, vào nhịp đập của đơn vị (con người, hệ hành tinh, thái dương hệ). Biết được bản chất của đơn vị ấy hay nhóm thì mới có hy vọng nói chính xác về chu kỳ.
Đi xa hơn một chút, từ đây có nhu cầu tìm hiểu nhóm ở cõi tình cảm, và tính di truyền huyền bí, vì manh mối về đặc tính của nhóm linh hồn, vị trí của nó đối với nhóm khác, cung của họ, đều nằm ở cõi tình cảm. Theo với thời gian, tính di truyền đúng thực sẽ được đề cập tới, và các vấn đề như:
– Liên hệ gia tộc, cùng dòng máu
– Tâm đầu ý hợp
– Di truyền thể chất
– Ly dị
sẽ được nhìn ở mức độ cao hơn, và người ta sẽ thấy là nó liên hệ với mối dây giữa các linh hồn. Chúng là biểu lộ mờ nhạt hơn nơi cõi trần của mối liên hệ bên trong nơi cõi cao, đang tìm đáp ứng ở bên ngoài. Khi sự việc được hiểu theo nghĩa năng lực và lực, theo tính thu hút và xô đẩy, hay làn rung động đáp ứng giữa các đơn vị với nhau, của nhóm này với nhóm kia, nhiều sự việc trở nên sáng tỏ và đời sống hóa giản dị hơn. Con người sẽ đi sát với nhóm mình và việc kết hợp sai lầm hoặc về nhóm, hoặc trong hôn nhân sẽ dần dần mất đi do có thêm hiểu biết.
Vũ Trụ.
Thái dương hệ cũng tái sinh và mỗi kỳ tái sinh chịu ảnh hưởng một lực khác nhau.Lấy thí dụ kỳ tái sinh này chịu lực chính là lực cung hai, tất cả những lực tác động trong khoảng thời gian biểu lộ này đều là lực phụ của cung hai. Ngoài ra còn có chu kỳ hoàng đạo, mặt trời đi hết một vòng hoàng đạo (zodiac) khoảng 25.000 năm, và chu kỳ một chòm sao, khoảng 2100 năm, như hiện nay ta bước vào chu kỳ Bảo Bình (Aquarius).
CHU KỲ CÁC CUNG
Về chu kỳ các cung, những bài rải rác trên PST đã nói tới nên ta sẽ không nhắc lại chi tiết ở đây. Điểm cần ghi nhớ là tất cả 7 cung đều luôn luôn tác động, và tác động cùng lúc, dựa theo chu kỳ và chương trình do các đấng cao cả hướng dẫn, một số ảnh hưởng của lực ấy sẽ mạnh mẽ lúc này hơn lúc khác. Các ảnh hưởng này tuôn qua mọi hình thể các loài, sinh ra ảnh hưởng đặc biệt,hay những hình thể rõ ràng và khác biệt. Chính sự luân chuyển này là căn bản cho luật luân hồi, và ta phải sửa đổi, dàn xếp lại cách suy luận mới hiểu thực sự về luật tái sinh vốn căn cứ trên luật chu kỳ.
Điểm khác về cung là con người bị quản trị bởi chu kỳ chính là cung chân nhân, chu kỳ của phàm nhân là chu kỳ phụ, mà cũng chịu ảnh hưởng của các chu kỳ lớn và nhỏ trong cung của nhân loại.
Đôi khi dường như các tài liệu đối chọi nhau, một cung được nói là đang biểu lộ rồi khi khác lại được viết là không biểu lộ .Hay có lúc sách nói tới ảnh hưởng của nó trên một loài, và khi khác một cung khác lại được nói là quan trọng hơn. Các sai biệt này chỉ là ngoài mặt và sẽ sáng tỏ ngay khi ta hiểu về luật chu kỳ. Bao lâu chưa được vậy, ta không thể tránh những ý có vẻ như tương phản nhau. Vào một thời điểm một cung có thể biểu lộ và cho ảnh hưởng trọng đại, nhưng cùng lúc đó một cung khác lại quản trị chu kỳ khác lớn hơn, và trong chu kỳ đó cung nói ở trên chỉ là biểu lộ ngắn hạn. Thí dụ hiện nay cung 6 đang rút lui và cung 7 đang dần có ảnh hưởng mạnh, nhưng chu kỳ lớn đang do cung 6 quản trị và ảnh hưởng nó chỉ tàn sau 21,000 ngàn năm nữa. Cùng lúc đó, cung 6 có thể được coi là cung phụ trong chu kỳ cung 4 chỉ vừa có ảnh hưởng vài ngàn năm, và sẽ tiếp tục hoạt động trong 40,000 ngàn năm nữa. Nếu xét về mặt các chu kỳ nhỏ và ảnh hưởng của chúng, thì cung 4 lại có thể được coi như không biểu lộ lúc này, xét về ảnh hưởng thứ yếu theo chu kỳ của nó.
Hiểu biết này quả thật là rối rắm đối với người mới học về huyền bí học, và chỉ có ai uốn mình theo đòi hỏi phải nắm lấy nét đại cương cùng những ý căn bản rộng rãi, mới có thể gạn lọc từ những chỉ dẫn trên cái nhìn chân thực, hữu ý. Nếu ta đi lạc vào cái khối phân tích đa diện, chi tiết rắc rối đan chằng chịt vào nhau, ta sẽ không thoát ra được khung trời do cái nhìn trong sáng mang lại. Khi loại bỏ chi tiết và chỉ kể tới đường lối tổng quát của thiên cơ trong thái dương hệ, khi ấy ta có thể hợp tác với óc thông minh cần thiết. Cách học hỏi là đọc các chi tiết trên với óc xây dựng thay vì chỉ trích, hiểu rằng không dễ gì thấy rõ thiên cơ nằm trong trí những đấng điều khiển sự việc, những vị hợp tác vô cùng mật thiết với nhau, theo sát thiên cơ nguyên thủy mà vẫn có nỗ lực riêng, chú tâm đến tiến trình lâu dài.
Thời gian các cung không dài bằng nhau, và sự khác biệt cho ảnh hưởng lớn lao trên chu kỳ của linh hồn, cùng ấn định thời gian giữa các lần tái sinh. Có linh hồn tái sinh lẹ làng, có linh hồn lại mất thời gian lâu hơn.Vì vậy không thể nói là có thời gian ngơi nghỉ trung bình ở cõi tình cảm. Cũng như đừng quá đặt nặng vào lời tiên đoán về nỗ lực của Thiên đoàn mỗi một trăm năm. Điều ấy chỉ đúng cho một cung mà chu kỳ là 10, 100, 1000 năm..v..v. (căn bản là số 10), cung này có sức rung động cao nhất vào phần tư chót của một thế kỷ. Như vậy, đây chỉ là đường lối hoạt động của một trong bẩy cung, và sẽ có ảnh hưởng mạnh trên những ai thuộc cung ấy, mà đồng thời những việc mà cung trên gợi hứng nằm trong kế hoạch chung là một phần của lực phát sinh từ vị Hành Tinh Thượng Đế.
Khi thấy được như vậy, ta sẽ hiểu là các biến cố khác như việc xuất hiện của các vị Hóa Thân (Avatar) lập tôn giáo giáo mới, những khám phá, phát minh khoa học làm đảo lộn tư tưởng thế giới là cái tương đương với nỗ lực vào mỗi phần tư cuối của thế kỷ, nhằm thúc đẩy sự tiến hóa con người, nhờ vào tiết lộ nhiều hơn về MTTL. Các nhân vật như Newton, Galileo, Curie hoạt động theo đường lối riêng của họ, xứng đáng ngang hàng với bà Blavatsky trong vai trò mang ánh sáng cho thế giới. Họ đã cách mạng tư tưởng trong thời đại của mình, họ đẩy mạnh khả năng giải thích thiên nhiên của con người, hiểu được tiến trình vũ trụ. Công việc của ta là mở rộng tầm nhìn, để nhận biết sự kết hợp làm một giữa những lực phát sinh từ một nguồn.
CHU KỲ THẾ GIỚI
Sẵn đây ta cũng có thể chữa vài sơ sót trong sách vở MTTL. Sơ sót có trước tiên trong sách ngoại quốc, và khi tác giả Việt dùng chúng làm tài liệu, các vị ấy vô tình đem sơ sót vào lý luận của mình. Nói cho đúng, những điểm sai ấy hoàn toàn vì ngay tình; khi nghiên cứu những tác giả ngoại quốc đã dựa vào các tài liệu có sẵn lúc bấy giờ rồi suy đoán thêm. Nhưng về sau khi có những tài liệu khác của bà Blavatsky được khám phá, nó cho thấy cách suy đoán ấy không đúng. Cái đáng nói là nhiều người không biết có tài liệu mới, và tíếp tục lập lại sơ sót cũ khi trích dẫn sách có tài liệu sai.
Quyển The Earth and Its Cycles của E. Preston có ghi lại cách tính thời gian các vòng tuần hoàn, các giống dân với sơ sót vừa nói, và một vài quyển sách Việt vì lấy tài liệu từ đây, đã lập lại những sai lầm này.
Phần dưới đây ghi lại cho đúng những cách tính ấy. Tổng Quát, ta được cho biết rằng:
– Thái dương hệ có 10 hệ hành tinh (scheme)
– Một hệ hành tinh có 7 dãy hành tinh (planetary chain)
– Một dãy hành tinh có 7 bầu hành tinh (globe)
Mỗi cuộc tuần hoàn (world period) có 7 vòng (round) đi quanh một dãy, xong dãy đó lực sống mới đi qua dãy kế.
– Trong mỗi vòng như vậy, trên mỗi bầu có 7 giống dân chính (root-race)
– Một giống dân chính có 7 giống dân phụ (sub-race)
– Vòng 1 đi qua hết 7 bầu của một dãy sẽ dài 1 phần.
–Vòng 2 sẽ dài 2 phần
– Vòng 7 sẽ dài 7 phần
Tức vòng 1 ngắn nhất và vòng 7 dài nhất, tính chung có 28 phần. Thời gian tổng cộng cho 7 vòng là 4,312,000,000 năm, như thế
–Vòng 1 dài = (4,312,000.000 : 28) x 1 = 154,285,714 năm
– Vòng 4 dài = (4,312,000,000 : 28) x 4 = 617,142,856 năm
– Vòng 7 dài = (4,312,000,000 : 28) x 7 = 1,080,000,000 năm
Đây là chỗ sơ sót trong các sách, khi cho rằng thời gian bẩy vòng dài bằng nhau (=4,312,000,000 : 7 = 616,000,000 năm), thay vì đúng ra chúng sẽ theo tỷ lệ 1: 2: 3: 4: 5: 6: 7
Kế đó mỗi vòng đi ngang qua bẩy bầu cũng theo tỷ lệ 1: 2: 3: 4: 5: 6: 7, cho ra:
– Vòng 1 đi qua bầu 1 dài 1 phần.
– Vòng 1 đi qua bầu 2 dài 2 phần, hay một vòng đi hết bẩy bầu thành 28 phần dài bằng nhau
Ta đang ở vòng thứ tư, và địa cầu là bầu thứ tư.
– Vòng 4 đi qua bầu 4 dài 4 phần
Mỗi vòng đều có thời gian hoạt động (ngày, manvantara) bằng thời gian ngơi nghỉ (đêm, pralaya). Vậy thời gian hoạt động của vòng 4 là:
617,142,856 : 2 = 308,571,414 năm
và thời gian hoạt động của vòng 4 trên bầu số 4 (địa cầu) là:
(308,571,414 : 28) x 4 = 44,081,632 năm
Tận thế mà con người run sợ nói đến là khi thời hạn này chấm dứt, vòng 4 đi qua bầu số 5 và trái đất rơi vào tình trạng ngơi nghỉ, chờ ngày hoạt động trở lại khi vòng 5 đi tới nó. Ta có thể yên tâm tịếp tục đọc PST, vì rõ rệt là ngày tận thế còn rất lâu mới đến, do trái đất chỉ mới tới giống dân thứ 5 trong tổng số 7 giống dân.
Dùng cách tính này ta có thể đi sâu thêm và tính ra thời gian tương đối của mỗi giống dân trên địa cầu trong vòng 4:
– Mẫu chủng thứ nhất có thời gian hiện hữu là 1 phần của một vòng.
– Mẫu chủng thứ hai có thời gian hiện hữu là 2 phần
– Mẫu chủng thứ năm có thời gian hiện hữu là 5 phần, và sẽ dài:
(44,081,632 : 28)x 5 = 8,816,326 năm.
Cái cần ghi là đơn vị chót của những con số trên thường thay đổi, vì phải tính tròn, nó chỉ dùng để cho ta khái niệm chung.
Bài học về luật chu kỳ là nhờ nó ta xử sự khôn ngoan hơn đối với cuộc sống, bình tâm với các biến cố xẩy ra trong đời, có cái nhìn rộng lớn với sự sống, thấy được sự vật đúng chỗ của nó và biết tiếp tục bền chí, nỗ lực đi tới đích nhắm trong kiếp này. Ta cũng biết xếp đặt tương lai bằng cách vạch đường hướng làm việc của mình, nắm phần chủ động trong đời, vì như mọi việc khác, luật chu kỳ tự nó không làm ta thành công hay tiến bộ. Đúng ra hiểu luật chu kỳ sẽ làm ta cố gắng không ngừng, vì khi cơ hội thuận lợi đến mà ta chưa chuẩn bị, chưa có kế hoạch, khả năng thì cũng không tận dụng được hết cơ hội, nói khác đi ta phải chuẩn bị từ bây giờ và hằng ngày.
Nhưng có lẽ bài học giá trị rút từ hiểu biết về luật chu kỳ là tính an nhiên, bình tâm trong cuộc sống, do nhận ra được sự sống tiếp tục trong chu kỳ sáng và tối, trong sự thể hiện và tan rã của hình thể hay phong trào, lượn sóng dâng và rút của tinh thần duy vật, tội ác, hay tôn giáo, khuynh hướng nghệ thuật. v.v.. Đạt được tính thăng bằng, quân bình sống động là đi vào được điểm căn bản của chu kỳ, vì đó là sự sống, là cái cần phát triển không tùy thuộc vào chu kỳ. Hiểu để rồi dùng luật nhằm thể hiện sự sống, tính thiêng liêng của ta ngày càng rõ rệt hơn, thực hiện thiên cơ theo luật thủy triều, trợ lực thiên nhiên, là một trong vài ứng dụng khi tìm hiểu về luật to tát này.
Thông Xanh
Sách tham khảo
A Treatise on White Magic by A.A.Bailey
H.P. Blavatsky Collected Writings, vol. VIII